Những di tích cổ ở Sa Đéc

Kiến An cung, còn gọi là chùa Ông Quách. Ảnh: Hoàng Thám

(TBKTSG Online) - Từ TPHCM về đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), qua khỏi cầu Mỹ Thuận vượt sông Tiền, rẽ trái chừng 15km sẽ đến thị xã Sa Đéc. Trước năm 1975, đây là thủ phủ của một tỉnh cùng tên, sau đó trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Đồng Tháp cho đến năm 1994, trung tâm hành chính tỉnh Đồng Tháp chuyển sang Cao Lãnh.


Dù chỉ là một thị xã nhỏ nằm bên bờ Sa giang nhưng có lịch sử hình thành khá lâu đời nên Sa Đéc có rất nhiều đình chùa, nhà cổ, làng nghề nổi tiếng. Kiến An cung hay còn gọi là chùa Ông Quách nằm ngay tại trung tâm thị xã do những người Hoa từ tỉnh Phúc Kiến di cư sống tại Sa Đéc xây dựng từ năm Giáp Tý (1924) và khánh thành vào mùa thu Đinh Mùi (1927).
Kiến An cung được thiết kế kiểu chữ “Quốc” uy nghi, trang trọng, có tường bao bọc. Mái ngói chùa gồm có 3 lớp, ngói được lợp theo gợn sóng rồng, cong vút lên cao, tạo dáng "ngũ hành". Toàn bộ chùa không có kèo, chỉ có đòn tay ráp mộng lại, chịu lực trên những cột gỗ tròn.
Ở mặt chính trên vách chùa có trang trí những cây cối, chim thú, tượng người ghép bằng gốm màu tạo thành những bức tranh. Ở giữa gian chính có tấm hoành phi "Kiến An cung", trang trí rồng, mây, nai, hạc. Trên cửa ra vào có 6 con lân gỗ thếp vàng. Trên mặt của mỗi cánh cửa có vẽ cảnh sinh hoạt của triều đình. Hai bên cửa vào chính điện có hai con kỳ lân trấn môn bằng đá xanh lớn, chạm khắc tinh xảo.
Ngoài Quảng Trạch Tôn Vương (Ông Quách), còn có hai vị thần được thờ ở hai bên trong gian chánh điện. Bên tả là Thanh Thủy tể sư, nguyên là thầy thuốc chữa bệnh cho nhân dân. Bên hữu là Bảo Sanh đại đế, có nhiệm vụ bảo vệ sanh mệnh các vị vua chúa.
Trong thị xã Sa Đéc cón có nhiều ngôi đình, chùa cổ, đẹp có giá trị về văn hoá, lịch sử như chùa Hương, chùa Bà Thiên Hậu, đình Vĩnh Phước, Tân Tây võ miếu, chùa Bà Cửu Thiên Huyền Nữ…
Chùa Hương ở Sa Đéc. Ảnh: Hoàng Thám

Ngoài những chùa chiền, miếu mạo và những làng hoa rực rỡ sắc màu, Sa Đéc còn có 17 ngôi nhà cổ còn khá nguyên vẹn. Những ngôi nhà này được kiến trúc theo phong cách Pháp vào những năm thuộc thập niên 1900; trong đó, nổi bật là trường tiểu học Trưng Vương và nhà của ông Huỳnh Thủy Lê, “người tình” của nữ văn sĩ Pháp Marguerite Duras ở địa chỉ số 255A khu phố 1, phường 2, thị xã Sa Đéc… Chợ thực phẩm Sa Đéc, và một số công sở mang dấu ấn kiến trúc Pháp, hiện vẫn còn sử dụng. 
Đến với Sa Đéc bên bờ Sa giang, bạn sẽ tìm lại được dấu xưa và sẽ khám phá thêm nhiều điều hấp dẫn.
Nhà cổ của ông Huỳnh Thủy Lê. Ảnh: Hoàng Thám
Nguồn: thesaigontimes

0 nhận xét:

Post a Comment